Phan Minh Khôi – Chuyên gia hàn quốc tế, Giáo viên hàn TIG
Phương pháp hàn này được ra đời vào đầu thế kỷ XX tại Mỹ. Sau đó được nhân rộng sang các nước châu Âu có nền công nghiệp phát triển như Đức, Anh, Pháp … nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển ngành hàn công nghệ cao.
Tại Mỹ người ta gọi phương pháp này là phương pháp hàn TIG (Tungsten Inert Gas), còn ở Đức thì được gọi là WIG ( Wolfram Inert Gas) Theo tiếng Việt thì ta có thể hiểu đây là phương pháp hàn trong môi trường khí bảo vệ là khí trơ mà điện cực không được phép nóng chảy.
Vì điều kiện thời đó còn hạn chế để sản xuất ra các phụ kiện đi kèm như điện cực Wolfram, khí bảo vệ là Argon chính vì vậy người ta chỉ áp dụng phương pháp này để hàn những chi tiết đặc biệt. Ngày nay, nền công nghiệp phát triển phương pháp hàn này đã được áp dụng rộng rãi hơn.
Đây là phương pháp mà vùng hồ quang được sinh ra và duy trì giữa đầu điện cực Wolfram và vật liệu. Khí dùng để bảo vệ vùng hàn là khí trơ (Argon, Helium) hoặc hỗn hợp của hai khí này theo những tỷ lệ nhất định. Khi quan sát, ta thấy một đầu của nguồn điện hàn được đấu với điện cực còn đầu kia đấu với chi tiết hàn vì vậy điện cực làm nhiệm vụ là dẫn điện và duy trì hồ quang (Điện cực ở đây là không nóng chảy). Que hàn hoặc dây hàn được bồi vào bể hàn bằng tay người thợ hoặc bằng máy (que hàn hoặc dây hàn không có điện) từ phía trước, phía sau, chấm que hay đẩy que liên tục. Quá trình nóng chảy kim loại ở vùng hàn được bảo vệ bởi khí trơ (Argon, hoặc Helium) thoát ra từ ty khí. Khí bảo vệ này thường sử dụng là Argon có hàm lượng tinh khiết đạt từ 99,95% được nạp trong chai thép 10 Nm3 dưới áp xuất 200 bar.
Nguồn: HwC