Những thông tin cần biết để tham gia viện hàn quốc tế IIW

03/07/2012
Ngày 24/09/2011 vừa qua, chúng tôi, những người làm về kỹ thuật hàn tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt - Đức (HwC) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đã rất vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của HộiKhoa học và Kỹ thuật hàn Việt Nam tổ chức tại số 4, đường Phạm Văn Đồng, thành phố Hà Nội. 

Kính chào các anh, chị thành viên của Hội Khoa học Kỹ thuật hàn Việt Nam

Ngày 24/09/2011 vừa qua, chúng tôi, những người làm về kỹ thuật hàn tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt – Đức (HwC) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đã rất vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của HộiKhoa học và Kỹ thuật hàn Việt Nam tổ chức tại số 4, đường Phạm Văn Đồng, thành phố Hà Nội.

Trong quá trình dự đại hội, chúng tôi thấy có nhiều người trong Hội có quan tâm đến hoạt động của Viện hàn Quốc tế / Thế giới IIW (International Institute of Welding). Vì vậy, theo yêu cầu của một số đơn vị quan tâm tới hoạt động của Viện hàn quốc tế IIW, chúng tôixin được thông tin sơ lược về IIW như sau:

– IIW là một tổ chức phi lợi nhuận, khởi nguồn được thành lập bởi một nhóm 13 nhà khoa học và nghiên cứu từ 13 nước khác nhau với mục đích không ngừng đổi mới sáng kiến và cùng trao đổi tính ứng dụng thực tiễn trên toàn thế giới. Ý tưởng của họ là tạo ra một diễn đàn toàn cầu cho việc trao đổi và quảng bá các công nghệ hàn và tính ứng dụng của nó.

– Được sáng lập năm 1948, IIW ngày nay có sự tham gia của 55 quốc gia thành viên mà Tổ chức đại diện của các quốc gia này như AWS (Hoa Kỳ), DVS (CHLB Đức), TWI (Anh), WTIA (Úc), CWS (Trung Quốc), JWIS và JAPAN INSTITUTE OF WELDING (Nhật Bản), WIT (Thái Lan),…., HwC (Việt Nam, HwC làm thành viên của IIW theo uỷ quyền của Bộ KH&CN).

– IIW có trụ sở đăng ký tại số 90 phố Vanesses – 93420 Villepinte ( Seine-Saint Denis), Cộnghoà Pháp.

– Hoạt động của IIW bao trùm toàn bộ, nhưng không bị giới hạn, tất cả những vấn đề có liên quan đến gá lắp, cắt, ghép, nối và xử lý bề mặt tất cả các loại vật liệu bằng những qui trình tương thích, như là: hàn, hàn nóng chảy, hàn vẩy, cắt hơi, phun nhiệt, hàn bu lông, hàn micro… kể cả một số lĩnh vực khác như bảo đảm chất lượng, kiểm tra chất lượng, thử nghiệm không phá hủy, giám định, an toàn lao động, tiêu chuẩn hóa, môi trường, giáo dục, đào tạo, chứng nhận, thiết kế và chế tạo.

– Mục tiêu của IIW là khuyến khích sự phát triển và ứng dụng các phương pháp kỹ thuật cũng như đóng góp vào sự phá bỏ các rào cản kỹ thuật trong lĩnh vực này. Để đạt được mục đích này, IIW sử dụng những hình thái hoạt động cần thiết, cả độc lập lẫn hợp tác, với các cơ quan khác có cùng mục tiêu hay với các tổ chức phi lợi nhuận. Đặc biệt, IIW tiến hành:

​  + Tổ chức khâu trao đổi thông tin khoa học kỹ thuật và là cơ quan đứng ra cung cấp,chuyển giao những công nghệ này

​  + Chuẩn bị cho khâu giới thiệu, báo cáo và hướng dẫn những công nghệ cao có liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật này.

​  + Bằng mọi biện pháp phù hợp, phát triển thêm các viện hàn quốc gia hay các cơ quan tương đương ở những nước chưa có thành viên của tổ chức này.

​  + Tổ chức các cuộc họp thường niên, hội nghị quốc tế và các đại hội quốc tế.

​+ Xác định được đường lối giáo dục, đào tạo, chứng nhận và chuẩn hóa nhân sự có liên quan đến lĩnh vực hàn cũng như dự thảo các qui định thi hành.

​+ Hợp tác với Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) nhằm chuẩn bị và hỗ trợ việc hệ thống hóa các tiêu chuẩn quốc tế liên quan tới lĩnh vực Hàn.

​  + Khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển một môi trường bền vững các hoạt động về Hàn.

– IIW cho phép có nhiều thành viên của cùng một quốc gia tham gia làm Thành viên quốc gia của IIW và chỉ định một thành viên chịu trách trách nhiệm chính, nhưng chỉ cho phép có duy nhất một ANB cho mỗi quốc gia.

– Để trở thành ANB của IIW thì trước tiên phải trở thành Thành viên của IIW, tiếp theo đó phải đăng ký để trở thành Thành viên của IAB (tạm dịch là Ban cấp phép của IIW) sau đó xây dựng Hệ thống để xin đánh giá công nhận trở thành ANB.

– ANB có hai hoạt động đánh giá và chứng nhận chính:

+ Hoạt động đánh giá và chứng nhận nhân sự hàn (personnel qualification/certification), chủ yếu để công nhận các ATB, ATB là đơn vị trực tiếp đào tạo và cấp chứng chỉ nhân sự hàn theo các thủ tục của ANB. Mỗi quốc gia chỉ có duy nhất 01 ANB và có thể có nhiều ATB.

+ Hoạt động đánh giá và chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng hàn theo Tiêu chuẩn ISO 3834 series (part 2, 3 or 4).

– Kinh phí thành viên đóng hàng năm cho IIW (Việt Nam khoảng trên 6000 Euro) bao gồm 02 khoản:

+ Phí cố định hằng năm: 2300 Euro

+ Phí biến đổi phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ thép hàng năm của mỗi quốc gia (căn cứ để tính được dựa vào tạp chí quốc tế về thép) và thông thường sẽ tăng hàng năm

– Khi trở thành ANB, ngoài kinh phí Thành viên nói trên còn phải đóng thêm các kinh phí sau:

+ Phí Thành viên của IAB

+ Phí thu trên từng chứng chỉ mà các ATB của ANB cấp ra.

+ Kinh phí đánh giá công nhận ANB và kinh phí đánh giá giám sát thường niên.

Hiện tại, Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt – Đức (HwC) là thành viên của 02 tổ chức:

+ HwC được DVS (Liên đoàn hàn CHLB Đức, DVS là ANB của IIW tại CHLB Đức) uỷ quyền đào tạo và cấp chứng chỉ theo hệ thống của IIW tại Việt Nam từ năm 2002 (HwC được công nhận là SL của DVS tại Việt Nam) cho đến khi có ANB của IIW tại Việt Nam. HwC có phạm vi đào tạo và cấp chứng chỉ các cấp độ như: International Welding Specialis (IWS), International Welding Inspection Personnel ( IWIP (Standard & Basic Level), International Welder (IW), chứng nhận quy trình hàn (WPS). Còn các bậc khác như International Welding Engineer (IWE), IWIP – Comprehensive Level  thì chỉ đào tạo được một phần và phải hợp tác trực tiếp với các SLV của DVS.

HwC là Thành viên chính thức của IIW từ năm 2007 và đang trong quá trình xây dựng ANB của IIW tại Việt Nam nhưng đang còn gặp rất nhiều khó khăn.

​HwC đang giữ password để truy cập các dữ liệu của IIW trên website chính thức của IIW và cũng rất muốn chia sẻ các dữ liệu này đến các cá nhân và Tổ chức khác, đồng thời cũng sẵn sàng hợp tác với các các Tổ chức có quan tâm đến hoạt động của IIW trong lĩnh vực kỹ thuật hàn (Xem đường link:  http://www.iiwelding.org/Members/Vietnam/Pages/Default.aspx).

​Thông tin tham khảo: Trang Web của IIW ( http://www.iiwelding.org ).

Nội dung đề cập trên là những thông tin sơ lược về hoạt động của Viện hàn quốc tế IIW, nếu các anh, chị cần cung cấp thêm thông tin về hoạt động của IIW xin mời liên lạc với chúng tôi.

Kính chúc các anh, chị sức khoẻ và thành công.

 Trân trọng.

Đỗ Hải Tĩnh

Phụ trách hoạt động hợp tác quốc tế

 Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt – Đức(HwC)

 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Số 8 – Hoàng Quốc Việt – Hà Nội

Tel: 04 3756 3026 , Fax: 04 3756 3027

Email: dohaitinh2003@yahoo.comiiwvietnam@gmail.com

Website: www.hwc.com.vn

 


Tư vấn/Đào tạo: 0934679933

Chứng nhận/Giám định: 0947608888

Kiểm tra/Thử nghiệm: 0988160169