Cảnh báo cháy nhà do bất cẩn khi hàn xì

12/10/2012
Phần lớn thợ hàn cắt kim loại làm trong những cơ sở nhỏ và vừa nên không có nghiệp vụ phòng chữa cháy. Mảnh kim loại khi hàn văng vào vật dụng dễ cháy bắt lửa, còn thợ hoảng sợ bỏ chạy. Nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra có nguyên nhân từ việc hàn xì.

Phần lớn thợ hàn cắt kim loại làm trong những cơ sở nhỏ và vừa nên không có nghiệp vụ phòng chữa cháy. Mảnh kim loại khi hàn văng vào vật dụng dễ cháy bắt lửa, còn thợ hoảng sợ bỏ chạy. Nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra có nguyên nhân từ việc hàn xì.

Theo thống kê của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn TP HCM, từ đầu năm 2011 đến nay cả nước đã xảy ra gần 900 vụ cháy nổ các cơ sở, nhà dân và phương tiện giao thông, chết trên 20 người, bị thương 80 người, thiệt hại về tài sản hơn 306 tỷ đồng. Trong đó có 14 vụ cháy lớn, tổng thiệt hại tài sản khoảng 213,2 tỷ đồng.

Riêng tại TP HCM xảy ra 91 vụ cháy làm chết 4 người và bị thương 17 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 64 tỷ đồng.

Sở phòng cháy đánh giá những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan như: chập điện, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt, sự cố máy móc, dây chuyền công nghệ… Song song đó còn có nguyên nhân chủ quan mà nhiều nhất là do bất cẩn trong khâu hàn cắt kim loại ở các tòa nhà lớn.

Tòa nhà
Tòa nhà Keangnam cháy là do bất cẩn trong khâu hàn xì. Ảnh: Tiến Dũng.

Điển hình như vụ cháy tòa nhà 70 tầng Keangnam Landmark Tower, đường Phạm Hùng, Hà Nội, ngày 27/8. Khu vực phát cháy ở tầng dùng làm gara ôtô. Nguyên nhân là do các công nhân bất cẩn khi hàn, cắt lắp đặt hệ thống máy tản nhiệt, máy làm mát. Tia lửa hàn bén vào vật liệu dễ bắt lửa của hệ thống điều hòa gây cháy và lan nhanh.

Mới đây nhất là vụ hỏa hoạn tại tòa nhà 33 tầng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trên phố Cửa Bắc (Hà Nội) chiều 15/12. Nguyên nhân cháy vẫn đang được tiếp tục điều tra, song theo xác định bước đầu của cơ quan điều tra, có thể hỏa hoạn do công nhân bất cẩn trong khi hàn xì hoặc để thuốc lá bắn vào mút xốp gây cháy.

 

Qua những vụ hỏa hoạn trên, ông Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận 4, TP HCM, cho rằng để xảy ra tình trạng trên hầu hết đều xuất phát từ sự chủ quan, thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản cũng như công nhân hàn xì trong việc trang bị kiến thức về an toàn phòng cháy.

Xem biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy cho thợ hàn

Khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay phần lớn thợ hàn cắt kim loại xuất thân từ những cơ sở nhỏ và vừa nên việc huấn luyện về nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rất hạn chế.

Do vậy khi tiến hành hàn cắt kim loại, họ không có hoặc không biết các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy hay sử dụng các thiết bị hàn cắt (bình O2, gas, C2H2…) không đảm bảo an toàn. Trong quá trình hàn cắt, họ không cử người trông coi, lực lượng mỏng. Những người này cũng chưa có biện pháp cách ly các vật liệu, hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt; thiếu dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết tại khu vực hàn cắt; không chú ý đến tính an toàn của các dụng cụ sử dụng để hàn cắt…

Bên cạnh đó, lỗi còn do người trực tiếp tổ chức hàn cắt kim loại không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy, nổ của hàn cắt kim loại, để từ đó có biện pháp phòng ngừa. Khi xảy ra sự cố, họ không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ, lại mất bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi nên không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, thậm chí còn bỏ chạy làm cho đám cháy lan nhanh dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây ra những hậu quả khó lường.

Lý giải tại sao hàn cắt kim loại lại dễ gây cháy nổ, ông Tâm cho biết, thường ngọn lửa dùng để hàn có nhiệt độ rất cao mới làm nóng chảy được kim loại. Hàn bằng phương pháp hiện nay thường dùng các khí cháy như axêtylen, khí đốt hóa lỏng (LPG) được nạp sẵn trong các bình chứa khí cùng với các bình chứa khí ôxy. Ngoài ra cũng có thể hàn cắt kim loại bằng điện.

Khi hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa đạt tới 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn khoảng từ 1.700 đến 1.800 độ C. Trong quá trình hàn cắt kim loại sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (nhiệt độ đạt trên 1.000 độ C) bắn tung tóe ra xung quanh rất dễ gây cháy khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy. Đặc biệt là quy trình cắt kim loại có quá trình dùng luồng ôxy lưu lượng và áp lực lớn thổi bạt lớp ôxít kim loại và một phần kim loại nóng chảy ra ngoài. Khi các hạt kim loại nóng chảy với nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút… rất dễ cháy (nhiệt độ bắt cháy khoảng 250 độ C đến 400 độ C).

Thi Ngoan (nguồn: tinmoi.vn)


Tư vấn/Đào tạo: 0934679933

Chứng nhận/Giám định: 0947608888

Kiểm tra/Thử nghiệm: 0988160169