Trong quá trình thợ hàn cắt kim loại, các hạt nóng chảy ở nhiệt độ trên 1.000 độ C bắn ra xung quanh, nếu tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy rất dễ bùng lên thành hỏa hoạn.
Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy quận 1, TP HCM, đánh giá gần đây xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng mà nguyên nhân chủ yếu là hàn cắt kim loại không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Theo khảo sát của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận 1, phần lớn cơ sở hàn cắt kim loại hiện nay ở quy mô nhỏ và vừa, việc huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy rất hạn chế và không được quan tâm. Các công nhân không được tập huấn nghiệp vụ chuyên môn về phòng cháy chữa cháy và sử dụng thiết bị hàn cắt (bình O2, gas, C2H2) không đảm bảo an toàn. Thường trong quá trình hàn cắt, họ không cử người trông coi hoặc chỉ ít người; không có biện pháp cách ly các vật liệu và hàng hóa dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt. Các cơ sở này cũng không trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy cần thiết tại khu vực hàn cắt, không chú ý đến tính an toàn của dụng cụ sử dụng để hàn cắt…
Khảo sát này cũng cho thấy, phần lớn người trực tiếp tổ chức hàn cắt kim loại chưa được trang bị kiến thức cơ bản về phòng cháy chữa cháy nên không nắm được đặc tính nguy hiểm cháy nổ của hàn cắt kim loại, không có biện pháp phòng ngừa sự cố. Đến khi xảy ra hỏa hoạn, họ không biết sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ, lại lúng túng, sợ hãi nên không xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh. Thậm chí họ còn bỏ chạy làm cho đám cháy lan nhanh dẫn đến cháy lan, cháy lớn, gây ra những hậu quả khó lường.
Cách đây 4 năm, hỏa hoạn tại tòa nhà 32 tầng trên đường Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) khiến hàng trăm người hoảng sợ. Nguyên nhân gây cháy là thợ hàn làm bắn tia lửa vào đám túi nylon bao ngoài dàn máy lạnh. Ảnh: An Nhơn. |
Tại sao hàn cắt kim loại nguy hiểm?
Trong quá trình thi công, những người thợ sử dụng ngọn lửa cháy có nhiệt độ cao để làm nóng chảy các kim loại và kết dính chúng với nhau, gọi là hàn. Dùng ngọn lửa khí nhiệt độ cao làm nóng chảy các tấm, thanh kim loại theo kích thước cần dùng, hoặc phá dỡ các kết cấu kim loại liên kết với nhau, được gọi là cắt.
Ngọn lửa hàn có thể sử dụng khí cháy là axêtylen, khí đốt hóa lỏng (LPG) được nạp sẵn trong các bình chứa cùng với bình chứa oxy. Khi muốn sử dụng chỉ cần có thêm mỏ hàn. Ngoài phương pháp hàn cắt kim loại sử dụng khí axêtylen hay khí đốt hóa lỏng, còn có phương pháp hàn điện.
Khi hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa đạt tới 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn khoảng 1.700 độ C đến 1.800 độ C. Quá trình hàn cắt sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (nhiệt độ đạt trên 1.000 độ C) bắn tung tóe ra xung quanh rất dễ gây hỏa hoạn khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy.
Quy trình cắt kim loại có dùng luồng oxy với lưu lượng và áp lực lớn thổi bạt lớp ôxít kim loại và một phần kim loại nóng chảy ra ngoài. Khi các hạt kim loại nóng chảy với nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút sẽ dễ bén lửa. Nếu đám cháy nhỏ không được phát hiện kịp thời và có các biện pháp xử lý ban đầu, nó sẽ cháy lớn hơn, vận tốc cháy lan tăng dần dẫn đến cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.
Trung tá Quang Tâm khuyên để hạn chế các vụ cháy do hàn cắt kim loại gây ra cần thực hiện một số biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy sau:
1. Người đứng đầu các cơ sở cần nêu cao trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy, quan tâm và đầu tư cho công tác phòng cháy chữa cháy.
2. Ban hành nội quy, quy định an toàn phòng cháy chữa cháy, quy trình hàn cắt kim loại an toàn.
3. Tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy, đặc tính nguy hiểm cháy nổ của quá trình hàn cắt kim loại, kiến thức về an toàn nói chung, an toàn cháy nổ nói riêng trong quá trình hàn cắt.
4. Trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10 m). Không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy và phương án xử lý cháy, nổ.
5. Trong quá trình hàn cắt kim loại phải cử người trông coi. Phải có người có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt, ít nhất có mặt sau 30 phút, đồng thời kiểm tra thật kỹ trước khi kết thúc việc hàn cắt.
6. Chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây dẫn khí đảm bảo kín, đường ống dẫn khí phải được bảo vệ tránh tia lửa hàn, xỉ hàn và dầu mỡ, không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện…
7. Trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực tiến hành hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy nổ.
8. Thợ hàn phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC, nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh.
9. Áp dụng các phương pháp hàn cắt tiên tiến, sử dụng thợ hàn có tay nghề đã qua đào tạo về công tác an toàn trong quá trình hàn cắt.
10. Đối với thợ hàn phải thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy sau:
– Chuẩn bị đầy đủ trang bị bảo hộ cá nhân (giày, găng tay, kính hàn…).
– Sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn.
– Chuẩn bị chậu nước để làm nguội mỏ hàn.
– Cần tiến hành kiểm tra: Các chỗ nối ống cao su với mỏ hàn và bộ giảm áp (dùng nước xà phòng), tình trạng mỏ hàn, bộ giảm áp và ống dẫn khí, độ lưu thông của miệng phun mỏ hàn, độ lưu thông của ống dẫn cao su từ bình oxy đến mỏ hàn và từ bình khí axêtylen đến mỏ hàn.
– Không được dùng búa hoặc các dụng cụ phát tia lửa để gõ vào nắp chai chứa khí, không sử dụng bộ giảm áp đã chờn ren, không để chai khí oxy, các ống cao su dẫn khí tiếp xúc với đường dây dẫn điện, không tự động tháo, lắp bộ phận giảm áp nếu chưa được sự đồng ý của thợ hàn chính, không mở van bình khí axêtylen bằng các dụng cụ, thiết bị không chuyên dùng.
Trong thời gian làm việc cần chú ý:
– Khi mồi lửa cho mỏ hàn hơi phải dùng diêm, bật lửa chuyên dùng.
– Khi hàn không quàng ống dẫn khí vào cổ, vào vai, kẹp chân, cuộn tròn hoặc bẻ gập ống.
– Khi mỏ hàn hơi đang cháy không mang ra khỏi khu vực làm việc dành riêng cho thợ hàn. Khi hàn ở trên cao không được mang mỏ hàn hơi đang cháy để leo thang.
– Trong thời gian giải lao phải tắt lửa mỏ hàn và đóng van cấp khí tới mỏ hàn.
– Nếu thời gian nghỉ kéo dài (giao ca, ăn trưa) thì ngoài việc tắt lửa mỏ hàn còn phải khóa van bình oxy, bình khí axêtylen và ở bộ phận giảm áp phải nới hết cỡ nén của lò xo bên trong.
– Khi mỏ hàn quá nóng thì phải tắt lửa mỏ hàn, nhúng đầu mỏ hàn vào chậu nước sạch, chờ nguội hẳn mới được làm việc trở lại.
– Khi lửa tạt lại phải đóng ngay van nước của bình sinh khí, đồng thời đóng van bình chứa khí, sau đó nhúng mỏ hàn vào nước sạch chờ cho đến khi nguội hẳn mới làm việc lại.
– Khi áp suất ở bình khí axêtylen tụt xuống hẳn thì không được tiếp tục làm việc. Phải kiểm tra ngay tình trạng của bình.
– Khi miệng phun mỏ hàn bị tắc phải dùng dây đồng vừa lỗ phun của mỏ để thông, không được dùng dây thép.
– Khi hàn cắt trong thể tích kín phải đốt mỏ hàn từ ngoài mang vào.
– Hàn cắt trong những gian nhà có sàn gỗ, vật liệu dễ cháy phải dùng tấm tôn hay tấm amiăng che phủ bề mặt chống cháy lan.
– Hàn cắt trên cao (từ 1,5 m trở lên) cần chú ý có thể gây cháy ở phía dưới.
“Thực hiện đúng những hướng dẫn an toàn trên, cùng với ý thức trách nhiệm của người tổ chức hàn cắt kim loại, chắc chắn không có những vụ cháy gây thảm họa thương tâm như vừa qua”, trung tá Tâm nói.
Nguồn: vnexpress.net