Cháy do hàn cắt kim loại: Công tác phòng cháy ngay tại cơ sở

17/12/2013
Thời gian qua, trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những vụ cháy xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Do điện, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt, sự cố máy móc, dây chuyền công nghệ…

          Thời gian qua, trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những vụ cháy xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Do điện, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt, sự cố máy móc, dây chuyền công nghệ…

         Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là nguyên nhân cháy do hàn cắt kim loại.Trước tình hình đó, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã khuyến cáo PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại, giúp các cơ sở và người lao động phòng ngừa các vụ cháy, nổ xảy ra, từ đó, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.

            Cho đến bây giờ, người dân trên địa bàn cả nước vẫn còn hoang mang khi nhớ lại vụ cháy xảy ra tại khu Zone 9 – Khu vui chơi nổi tiếng của giới trẻ Hà thành nằm trên đường Trần Thánh Tông, Hà Nội vào lúc 14 giờ ngày 19/11/2013. Vụ cháy cướp đi sinh mạng của 6 người, bên cạnh đó, 6 CBCS Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Hà Nội trong quá trình chữa cháy tại hiện trường cũng bị ngạt, phải đưa đi cấp cứu.

               Nguyên nhân cháy được xác định, chính là xuất phát từ việc vi phạm quy định an toàn PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại. Riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ trước đến nay, đã xảy ra một số vụ cháy, nổ do vi phạm quy định an toàn PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại, nhưng rất may không gây thiệt hại về người.

Lực lượng Cảnh sát PCCC kiểm tra công tác phòng, chống cháy nổ tại các đơn vị, doanh nghiệp

Trong đó, đáng kể nhất là vụ cháy xảy ra ngày 15/5/2003 tại Nhà máy Bia Vi Da, do một tổ thợ hàn đang hàn hệ thống đường ống công nghệ trên tẹc thứ tư trong hệ thống chín tẹc tại khu vực mở rộng để vảy bắn vào lớp cách nhiệt nằm giữa vỏ tẹc và thân tẹc gây cháy cách nhiệt; vụ cháy gây thiệt hại về tài sản gần 500 triệu đồng.

Từ các vụ cháy trên có thể thấy rằng, hầu hết các vụ cháy do hàn cắt kim loại đều xuất phát từ ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân và người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc trang bị những kiến thức cơ bản nhất về an toàn phòng, chống cháy, nổ.

Khi tiến hành hàn cắt kim loại, người lao động thường làm theo sự phân công của người quản lý, họ chưa thực sự quan tâm đến những đặc tính nguy hiểm về cháy, nổ từ vảy hàn nhiệt sinh ra trong quá trình hàn cắt, nhất là khả năng xử lý tình huống ban đầu của người lao động còn nhiều hạn chế, dẫn đến mất bình tĩnh gây cháy lan lớn.

Nhận thấy được nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong quá trình hàn cắt kim loại, bên cạnh việc phối hợp với các cấp, các ngành thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện nghiêm Luật PCCC, đấu tranh với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, sử dụng chất nổ, chất cháy trái phép, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Nghệ An đặc biệt chú trọng quan tâm chỉ đạo tích cực đến công tác PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại tại các cơ sở.

     Thượng tá Lê Hồng Lĩnh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: “Để giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản cho người lao động, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH khuyến cáo người lao động và các cơ sở cần phải trang bị kiến thức an toàn vệ sinh lao động như: Khi hàn cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10 m), không để vảy hàn tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, vì xỉ than hàn sinh ra nhiệt trong khi hàn cắt có nhiệt độ lớn hơn 2.0000C. Trong quá trình hàn cắt kim loại, phải cử người trông coi và phải có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt trước khi kết thúc việc hàn cắt nhằm phát hiện vảy hàn tàn lửa chưa được dập tắt; chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây dẫn khí đảm bảo kín; đường ống dẫn khí phải được bảo vệ tránh tia lửa hàn, vảy hàn và dầu mỡ; không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện… Bên cạnh đó, trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đối với thợ hàn, cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động; sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn. Khi tiến hành hàn cắt trên cao (từ 1,5 m trở lên), cần chú ý có thể gây cháy ở phía dưới… Như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, giảm tối đa thiệt hại về người, tài sản cho người dân và người lao động trong quá trình làm việc”.

Nguồn:  Congannghean.vn


Tư vấn/Đào tạo: 0934679933

Chứng nhận/Giám định: 0947608888

Kiểm tra/Thử nghiệm: 0988160169