Nhiều cái chết “oan ức” có nguyên nhân từ hàn xì
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những vụ cháy xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Do điện, thiết bị sinh lửa sinh nhiệt, sự cố máy móc, dây chuyền công nghệ…Tuy nhiên, có không ít các vụ cháy lớn xảy ra từ nguyên nhân do hàn cắt kim loại chưa đảm bảo an toàn.
Dư luận cả nước hẳn vẫn chưa quên vụ cháy xảy ra tại khu Zone 9 – Khu vui chơi nổi tiếng của giới trẻ Hà thành nằm trên đường Trần Thánh Tông, Hà Nội vào lúc 14 giờ ngày 19/11/2013. Vụ cháy đã cướp đi sinh mạng của 6 người, bên cạnh đó, 6 CBCS Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Hà Nội trong quá trình chữa cháy tại hiện trường cũng bị ngạt, phải đưa đi cấp cứu.
Ngày 1/11/2016, vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại quán karaoke trên đường Trần Thái Tông (Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội) đã làm 13 người chết cũng có nguyên nhân do hàn xì.
Cụ thể, vào ngày xảy ra vụ cháy, trong lúc thợ thi công tháo cánh cửa ra vào ở tầng 2, chị Linh (chủ quán) vẫn cho khách hát tại phòng 502 và 601 từ 12 giờ. Đến 13 giờ 30 phút, Hoàng Văn Tuấn, 23 tuổi, trú tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, là thợ hàn cắt (không có bằng cấp, chứng nhận hành nghề) được thuê làm tại tầng 2, cắt bản lề cửa thì lửa và vảy hàn chảy xuống nền nhà, bắn lên vách gây cháy.
Gần đây nhất, một vụ cháy thương tâm lại xảy ra khiến 8 người chết tại tại một xưởng sản xuất bánh kẹo ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội xảy ra trưa 29/7. Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn nghiêm trọng này được xác định là do xưởng đang sửa chữa, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp. Vụ cháy đã khiến toàn bộ nhà xưởng bị thiêu rụi. Các nạn nhân đã bị mắc kẹt bên trong do xưởng sản xuất bánh kẹo này không có lối thoát hiểm. Lối ra vào duy nhất là cửa chính đã bị gác xép sập chặn cửa.
Từ các vụ cháy trên có thể thấy rằng, hầu hết các vụ cháy do hàn cắt kim loại đều xuất phát từ ý thức chấp hành các quy định PCCC của người dân và người lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong việc trang bị những kiến thức cơ bản nhất về an toàn phòng, chống cháy, nổ.
Khi tiến hành hàn cắt kim loại, người lao động thường làm theo sự phân công của người quản lý, họ chưa thực sự quan tâm đến những đặc tính nguy hiểm về cháy, nổ từ vảy hàn nhiệt sinh ra trong quá trình hàn cắt, nhất là khả năng xử lý tình huống ban đầu của người lao động còn nhiều hạn chế, dẫn đến mất bình tĩnh gây cháy lan lớn.
Nhận thấy được nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy gây ra trong quá trình hàn cắt kim loại, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Bộ Công an và nhiều tỉnh đã khuyến cáo PCCC trong quá trình hàn cắt kim loại, giúp các cơ sở và người lao động phòng ngừa các vụ cháy, nổ xảy ra, từ đó, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản.
Làm sao để quy trình hàn được an toàn, hạn chế cháy nổ?
Liên quan đến vấn đề trên, Thượng tá Lê Hồng Lĩnh – Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Nghệ An cũng đã có những chia sẻ về việc đảm bảo an toàn trong quy trình hàn cắt kim loại, hàn xì để hạn chế các vụ cháy nổ gây thiệt hại.
Theo Thượng tá Lĩnh, để giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản cho người lao động, người lao động và các cơ sở cần phải trang bị kiến thức an toàn vệ sinh lao động một cách kỹ lưỡng.
Cụ thể, khi hàn cắt kim loại phải che chắn bằng các vật liệu chống cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10 m), không để vảy hàn tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, vì xỉ than hàn sinh ra nhiệt trong khi hàn cắt có nhiệt độ lớn hơn 2.0000C.
Trong quá trình hàn cắt kim loại, phải cử người trông coi và phải có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt trước khi kết thúc việc hàn cắt nhằm phát hiện vảy hàn tàn lửa chưa được dập tắt; chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây dẫn khí đảm bảo kín; đường ống dẫn khí phải được bảo vệ tránh tia lửa hàn, vảy hàn và dầu mỡ; không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện…
Bên cạnh đó, trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Đối với thợ hàn, cần trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động; sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn.
“Khi tiến hành hàn cắt trên cao (từ 1,5 m trở lên), cần chú ý có thể gây cháy ở phía dưới… Như vậy mới hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, giảm tối đa thiệt hại về người, tài sản cho người dân và người lao động trong quá trình làm việc”, Thượng tá Lĩnh lưu ý thêm.
Cùng quan điểm trên, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 12 (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội), cho rằng bản thân các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh phải quán triệt các yêu cầu kỹ thuật để bảo đảm an toàn trong PCCC.
“Trong đó, thợ hàn phải có trình độ tay nghề tốt, đã qua huấn luyện bồi dưỡng và cấp chứng chỉ về PCCC. Trong quá trình hàn, cần phải kiểm tra di dời các vật dễ cháy ra xa khu vực hàn xì, những vật dễ cháy không di chuyển được thì phải che chắn cẩn thận. Đồng thời luôn có người giám sát để cảnh báo cho những người xung quanh nếu có sự cố” – ông Quyến cảnh báo.
Lý giải việc tại sao hàn cắt kim loại lại dễ gây cháy nổ, thông tin từ Trung tâm An toàn Lao động, Viện nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật bảo hộ cho hay, ngọn lửa dùng để hàn có nhiệt độ rất cao mới làm nóng chảy được kim loại. Hàn bằng phương pháp hiện nay thường dùng các khí cháy như axêtylen, khí đốt hóa lỏng (LPG) được nạp sẵn trong các bình chứa khí cùng với các bình chứa khí ôxy. Ngoài ra cũng có thể hàn cắt kim loại bằng điện. Khi hàn cắt kim loại, nhiệt độ tâm ngọn lửa đạt tới 3.000 độ C, nhiệt độ mối hàn khoảng từ 1.700 đến 1.800 độ C. Trong quá trình hàn cắt kim loại sẽ làm phát sinh các hạt kim loại nóng chảy (nhiệt độ đạt trên 1.000 độ C) bắn tung tóe ra xung quanh rất dễ gây cháy khi tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy. Đặc biệt là quy trình cắt kim loại có quá trình dùng luồng ôxy lưu lượng và áp lực lớn thổi bạt lớp ôxít kim loại và một phần kim loại nóng chảy ra ngoài. Khi các hạt kim loại nóng chảy với nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy như vải, giấy, nệm mút… rất dễ cháy (nhiệt độ bắt cháy khoảng 250 độ C đến 400 độ C). |
Phong Lâm