Ngày 17 tháng 4 năm 2013, Bộ KH&CN đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình triển khai thực hiện Quyết định 144/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 quy định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và Quyết định 118/2009/QĐ-TTg ngày 30/9/2009 v/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 144.Tham dự hội nghị có đại biểu của 63 chi cục TCĐLCL địa phương, 23 cơ quan bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, một số tổ chức tư vấn, chứng nhận, một số cơ quan hành chính áp dụng thành công hệ thống ISO 9001:2008, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tổng kết do Phó Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh khẳng định: Qua gần bảy năm triển khai thực hiện Quyết định số 144/2006/QĐ-TTg (viết tắt là Quyết định 144) ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ quy định áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và Quyết định số 118/2009/QĐ-TTg (viết tắt là Quyết định 118) ngày 30/9/2009 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 144, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2000 (HTQLCL) vào cơ quan hành chính đã mang lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ đắc lực mục tiêu cải cách hành chính của Nhà nước. Đó là:
Hình thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật triển khai thực hiện Quyết định 144, Quyết định 118 một cách đầy đủ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Hình thành hệ thống các cơ sở đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước đối với chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá và hệ thống tổ chức/chuyên gia tư vấn, tổ chức chứng nhận/chuyên gia đánh giá, đáp ứng yêu cầu tư vấn, đánh giá HTQLCL trong cơ quan hành chính nhà nước,
Hình thành hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đã xây dựng và áp dụng HTQLCL có hiệu lực, hiệu quả.
Hiệu quả đạt được của việc xây dựng, áp dụng HTQLCL:
Đã xây dựng được các quy trình giải quyết công việc một cách khoa học; từng bước cải tiến phương pháp làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, phòng, ban giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả; đơn giản hoá quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc của doanh nghiệp, địa phương, cơ sở; giảm các tác động tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức khi giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân;
Các cơ quan, đơn vị đã có ý thức hơn trong việc tổ chức thu thập, sắp xếp, lưu trữ các loại văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp trên làm căn cứ thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; để tham chiếu khi cần; hồ sơ tài liệu được sắp xếp ngăn nắp và có hệ thống theo từng lĩnh vực công việc;
Góp phần giúp cán bộ, công chức tổ chức thực hiện công việc khoa học hơn; bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò của người cán bộ, công chức khi thi hành nhiệm vụ: cán bộ, công chức là cầu nối giữa luật pháp và người dân, có trách nhiệm hướng dẫn người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, cần có thái độ ân cần, cởi mở khi giao tiếp với người dân;
Góp phần tích cực trong việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” theo quy định của Chính phủ; chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý và cung cấp dịch vụ hành chính công được nâng cao; từng bước tạo được lòng tin và sự hài lòng của người dân khi đến cơ quan hành chính nhà nước;
Tạo điều kiện thuận lợi để triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý và tác nghiệp hồ sơ và là công cụ hỗ trợ đắc lực phục vụ công tác cải cách hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Đến hết ngày 10/04/2013, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành xem xét, cấp giấy xác nhận đủ điều kiện đào tạo kiến thức quản lý hành chính nhà nước đối với chuyên gia tư vấn, chuyên gia đánh giá HTQLCL trong cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại Thông tư số 03/2010/TT-BKHCN và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện tư vấn, đánh giá HTQLCL trong cơ quan hành chính nhà nước cho các tổ chức, chuyên gia tư vấn độc lập, tổ chức chứng nhận theo Thông tư số 01/2010/TT-BKHCN và Thông tư số 09/2011/TT-BKHCN, gồm:
03 cơ sở đào tạo;
32 tổ chức tư vấn (gồm 153 chuyên gia được cấp thẻ chuyên gia tư vấn);
13 chuyên gia tư vấn độc lập;
11 tổ chức chứng nhận (gồm 99 chuyên gia được cấp thẻ chuyên gia đánh giá).
Các thông tin về tổ chức tư vấn; tổ chức chứng nhận được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện được đăng tải và cập nhật, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Về hoạt động cấp Giấy chứng nhận:
Đến hết ngày 10/04/2013, đã có 3.654 cơ quan hành chính nhà nước được cấp Giấy chứng nhận HTQLCL, cụ thể: có 2.886 cơ quan hành chính nhà nước trong 63 tỉnh, thành phố được cấp giấy chứng nhận. Có nhiều cơ quan hành chính là UBND cấp xã (642 cơ quan), đối tượng khuyến khích áp dụng theo Quyết định 144, Quyết định 118 cũng đã triển khai xây dựng và áp dụng HTQLCL vào hoạt động của cơ quan.
Những tỉnh, thành phố đã tích cực trong quá trình triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tốt như Tiền Giang, Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ninh…
Tại Trung ương có 768 cơ quan thuộc 16 Bộ, ngành được cấp giấy chứng nhận, gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Về việc công bố mô hình khung HTQLCL: Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố mô hình khung HTQLCL cho các cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương trong năm 2010. Bộ Tài chính công bố mô hình khung HTQLCL cho các cơ quan hành chính nhà nước ngành dọc trực thuộc đóng tại địa phương trong năm 2011. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố mô hình khung HTQLCL áp dụng cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trong năm 2012…
Về việc phê duyệt kế hoạch và dự trù kinh phí triển khai:
Tại Trung ương, 18 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (chiếm khoảng 78%) đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai áp dụng cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, trừ các Bộ: Quốc phòng, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường
Tại địa phương, 59/63 tỉnh, thành phố (chiếm khoảng 94%) đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai áp dụng tại tỉnh, thành phố và dự trù kinh phí theo quy định tại Thông tư số 159/2010/TT-BTC, trừ thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Bình chưa xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai áp dụng tại tỉnh, thành phố; tỉnh Cao Bằng và tỉnh Nghệ An đã xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai áp dụng tại tỉnh, thành phố nhưng chưa dự trù kinh phí theo quy định.
Đã có nhiều cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương được cấp giấy chứng nhận. Đến ngày 10/04/2013, đã có 2.244 cơ quan hành chính nhà nước thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng trong 63 tỉnh, thành phố được cấp giấy chứng nhận. Như vậy, trong trường hợp UBND cấp huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện xây dựng và áp dụng một HTQLCL thì đến nay đã có khoảng 80% cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương đã được cấp giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố đã mở rộng việc xây dựng và áp dụng đến UBND cấp xã (642 cơ quan) là đối tượng khuyến khích áp dụng.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về cách thức đánh giá chứng nhận HTQLCL cho phù hợp với hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi quy định về hoạt động đánh giá, cấp giấy chứng nhận, duy trì, giám sát hệ thống quản lý chất lượng theo hướng không tổ chức việc cấp giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, các cơ quan hành chính nhà nước sau khi hoàn thành việc xây dựng và áp dụng sẽ tự công bố hợp chuẩn và giao rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát cho hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này, cũng như đề cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước.
Triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 144, Quyết định 118 và xây dựng các văn bản hướng dẫn. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tổ chức Hội nghị tổng kết, Hội thảo chuyên đề; đôn đốc, hướng dẫn và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra còn tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động tư vấn, đánh giá HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong cơ quan hành chính nhà nước của các tổ chức tư vấn, chứng nhận để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng của hoạt động này.
Về tồn tại, báo cáo cũng chỉ rõ: Mặc dù Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chưa lập, phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí triển khai, công bố mô hình khung HTQLCL cần khẩn trương thực hiện và hoàn thành trước ngày 15/11/2012. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 5 Bộ, 2 địa phương sau chưa thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ:
Về việc công bố mô hình khung hệ thống quản lý chất lượng:
Hiện nay, 2 Bộ có hệ thống cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương nhưng chưa công bố mô hình khung cho các cơ quan ngành dọc là Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp.
Theo quy định tại Quyết định 118, đến ngày 31/12/2012, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan ngành dọc đóng tại địa phương trực thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải hoàn thành việc xây dựng và áp dụng HTQLCL. Tuy nhiên, đến nay một số Bộ, ngành còn chậm theo tiến độ quy định. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan như chậm phê duyệt kế hoạch, dự trù kinh phí, công bố mô hình khung, còn nguyên nhân khách quan là do việc triển khai thực hiện Đề án 30 chưa kết thúc, nhiều cơ quan chưa hoàn thành việc thực hiện theo đúng quy định.
Theo quy định tại Quyết định 118, đến ngày 31/12/2013, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện phải hoàn thành việc xây dựng và áp dụng HTQLCL. Do đó, việc hoàn thành theo tiến độ quy định tại Quyết định 118 rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp, ý chí quyết tâm của lãnh đạo cơ quan, sự nhận thức đúng đắn về HTQLCL của lãnh đạo và cán bộ trong đơn vị.
Phương hướng triển khai trong thời gian tới: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố; các tổ chức tư vấn, chứng nhận, chuyên gia tư vấn độc lập và Bộ Khoa học và Công nghệ cần tập trung thực hiện các công việc sau: Thực hiện nội dung công việc xác định, phân loại thủ tục hành chính tại từng cơ quan trực thuộc theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 27/2011/TT-BKHCN.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh chưa thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 7906/VPCP-KSTT: đề nghị khẩn trương thực hiện và báo cáo Thủ tướng về việc chưa triển khai thực hiện và các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hành chính trực thuộc nghiên cứu các quy định hiện hành, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và áp dụng HTQLCL.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan hành chính trên địa bàn nghiên cứu các quy định hiện hành, khẩn trương thực hiện việc xây dựng và áp dụng HTQLCL để bảo đảm tiến độ hoàn thành theo đúng quy định tại Quyết định 118 (đến ngày 31/12/2013).
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh định kỳ báo cáo tình hình triển khai thực hiện tại Bộ, ngành, địa phương về Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Đối với Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố:
Đối với tỉnh, thành phố chưa thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 7906/VPCP-KSTT: đề nghị tham mưu, báo cáo Lãnh đạo UBND cấp tỉnh để khẩn trương thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chưa triển khai thực hiện và các vướng mắc trong quá trình thực hiện
Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng và áp dụng HTQLCL trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Đối với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng các tỉnh, thành phố:
Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao nhận thức về HTQLCL cho Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì HTQLCL tại cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Đối với tổ chức tư vấn, chứng nhận, chuyên gia tư vấn độc lập:
Tổ chức tư vấn, chuyên gia tư vấn độc lập, tổ chức chứng nhận nghiêm túc thực hiện theo các quy định hiện hành; nhiệt tình hướng dẫn, phối hợp với cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình tư vấn, chứng nhận; báo cáo định kỳ theo quy định hiện hành.
Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ:
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện.
Kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng và áp dụng HTQLCL tại một số cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động tư vấn, đánh giá của các tổ chức tư vấn, tổ chức chứng nhận để rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng của hoạt động xây dựng và áp dụng HTQLCL.
Tiếp tục đề xuất các hình thức khen thưởng đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích và kiến nghị hình thức xử lý vi phạm đối với các đơn vị chưa thực hiện theo đúng quy định.
Tổng hợp, hoàn thành báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương.
Nghiên cứu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ biện pháp để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động này trong thời gian tới.
Nguồn: tcvn