Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu hóa, để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế thì việc tiếp cận và xây dựng mô hình quản trị chất lượng phù hợp với các doanh nghiệp là một vấn đề cần thiết nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Hiện nay, ở các nước công nghiệp phát triển, vấn đề kiểm soát chất lượng hàn được quan tâm đặc biệt nhằm để đảm bảo an toàn cho con người và công trình, có khá nhiều doanh nghiệp áp dụng và được chứng nhận ISO 3834, nhưng chủ yếu từ các nước có nền công nghiệp cơ khí phát triển như Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia,...
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp cơ khí chế tạo gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các Hệ thống Quản lý chất lượng như ISO 3834. EN 1090… họ cần một đội ngũ nhân lực kỹ thuật hàn được đào tạo bài bản theo quy chuẩn quốc tế. Hoạt động sản xuất của ngành cơ khí hầu như chỉ thực hiện gia công một số sản phẩm đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó trình độ kỹ thuật của đội ngũ nhân sự, đặc biệt là đội ngũ giám sát, chuyên gia kỹ thuật hàn còn hạn chế, họ không được đào tạo bài bản theo quy chuẩn quốc tế mà thường là tự học nghề nên không đáp ứng những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao, trình độ chuyên môn chưa hoàn toàn đáp ứng. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến hiệu quả sản xuất và kinh tế của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước. Vậy nên việc tập trung đào tạo trình độ kỹ thuật và chuyên môn cao cho độ ngũ giám sát chất lượng kỹ thuật hàn trong các doanh nghiệp cơ khí là một vấn đề cấp bách mà các doanh nghiệp cơ khí rất chú trọng.
Căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ các năm 2013, 2014, 2015, 2016, 2017 & 2018 thuộc chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, đồng thời thực hiện nhiệm vụ “Nhân rộng đào tạo đội ngũ giám sát viên hàn quốc tế cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam”, mã đề tài 02.5/NSCL – 2022 Thuộc chương trình quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030”, Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức tổ chức đào tạo nhân sự giúp các doanh nghiệp cơ khí chế tạo giải quyết những khó khăn tồn đọng trong quá trình phát triển hội nhập của đất nước.
Nguồn nhân lực được đào tạo bao gồm những nhân sự quản lý kỹ thuật, người lao động trực tiếp của doanh nghiệp được đào tạo những kiến thức cần thiết để ứng dụng trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Qua đó giúp doanh nghiệp cập nhật những công nghệ mới, nâng cao trình độ quản lý và tiếp cận gần hơn nữa đến những kỹ năng và công nghệ hàn có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển doanh nghiệp.
Hình ảnh khoá học giám sát viên hàn quốc tế bậc 2
Nhằm đáp ứng mục tiêu cung cấp kiến thức cốt lõi về đào tạo quản lý chất lượng hàn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết và nâng cao năng lực của đội ngũ nguồn nhân lực kỹ thuật hàn để phù hợp với các chuẩn mực quốc tế tại các doanh nghiệp cơ khí chế tạo, Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt - Đức đã triển khai 4 khoá đào tạo, bồi dưỡng giám sát hàn bậc 2 cho 120 lượt học viên.
Thông qua khóa học này, học viên sẽ được cung cấp các kiến thức và kỹ năng trong việc đánh giá khuyết tật mối hàn, khuyết tật trong kim loại bằng phương pháp siêu âm, giải đoán hình ảnh của khuyết tật mối hàn, khuyết tật trong kim loại qua phương pháp chụp ảnh phóng xạ…
Cuối khóa học, học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ có giá trị pháp lý và có thể hành nghề trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Hình ảnh học viên thực hành tại xưởng