Vào những ngày cuối năm 2023, khi thế giới nô nức đón mừng năm mới 2024, tất cả cùng nhìn lại hoạt động hợp tác quốc tế của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TCĐLCL) trong năm 2023 với niềm tự hào.
Trong năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhận được sự quan tâm của các cấp Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội và sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước, tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực.
Nội dung hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã trở thành một trong các nội dung của các chương trình làm việc cấp cao.
Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko đến Việt Nam từ ngày 6-9/12/2023 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai Thủ tướng đã tiến hành hội đàm về hợp tác song phương và chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác trong đó có Bản ghi nhớ (MoU) giữa Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Tổng cục TCĐLCL và Viện tiêu chuẩn và Chứng nhận Quốc gia Belarus thuộc Ủy ban Quốc gia về Tiêu chuẩn Belarus. Thỏa thuận là cơ sở để phổ biến tiêu chuẩn quốc gia hai nước, góp phần hỗ trợ thúc đẩy thương mại song phương.
Đề cao vai trò của tiêu chuẩn hóa trong nhiều lĩnh vực đóng góp vào thực thi các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức lớn nhất, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung về biến đổi khí hậu (COP28), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về vai trò của chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạọ qua đó góp phần đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi xanh trên toàn cầu.
Trong khuôn khổ của dự án ODA của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB Đức) dành cho Việt Nam về “Thúc đẩy các dịch vụ bảo đảm chất lượng vì năng lượng bền vững” trong đó Tổng cục TCĐLCLvà Viện Đo lường Đức là cơ quan đại diện cho Chính phủ hai nước triển khai thực hiện Dự án, các hoạt động của dự án năm 2023 đã tập trung nghiên cứu về những chính sách và định hướng phát triển hạ tầng chất lượng phục vụ phát triển năng lượng bền vững của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, hạ tầng chất lượng (NQI) trong lĩnh vực quang điện của Đức và các chiến lược cũng như các biện pháp quản lý trong tương lai nhằm thúc đẩy việc mở rộng PV ở CHLB Đức nhằm hỗ trợ đạt mục tiêu về trung hòa khí nhà kính vào năm 2045. Từ đó, Dự án cũng có nghiên cứu so sánh về NQI trong lĩnh vực quang điện tại Việt Nam và đề xuất những gợi mở cho Việt Nam nhằm tăng cường NQI Việt Nam trong lĩnh vực quang điện trong thời gian tới hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Hiệp hội các phòng thử nghiệm Mỹ (UL), Hiệp hội Tu nghiệp Kỹ thuật Hải ngoại Nhật Bản (AOTS), dự án EU ARISE + dành cho Việt Nam, Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm cung cấp thông tin hữu ích về những nội dung này. Có thể kể đến như Hội thảo “Hỗ trợ Mục tiêu Năng lượng sạch và Phát triển Công nghiệp tại Việt Nam thông qua Tiêu chuẩn” ngày 18-19/4/2023 giới thiệu tổng quan về hoạt động, kinh nghiệm thực tế của các cơ quan tiêu chuẩn hoá và của doanh nghiệp trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn về năng lượng sạch và là cơ hội thảo luận chuyên sâu giữa các chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn và các chuyên gia kỹ thuật trong lĩnh vực năng lượng sạc;
“Hội thảo về giải pháp xử lý cuối vòng đời của pin xe điện” ngày 24/10/2023 nhằm thảo luận về các vấn đề pin xe điện, thách thức đối với các nhà sản xuất và nhà quản lý trong việc quản lý chất thải, cụ thể là giải pháp tái sử dụng, tái chế pin xe điện cuối vòng đời; “Hội thảo về các hoạt động tiêu chuẩn hóa liên quan đến hệ thống sạc và pin xe điện” ngày 27-28/9/2023 giới thiệu tổng quan về hoạt động tiêu chuẩn hóa của Việt Nam – Nhật Bản trong ngành xe điện; hoạt động tiêu chuẩn hóa Việt Nam và lộ trình cho ngành xe điện tại Việt Nam, hoạt động, chương trình chứng nhận của Nhật Bản về hệ thống pin xe điện, thảo luận về các hoạt động về pin xe điện, vai trò của các tiêu chuẩn quốc tế về xe điện và pin xe điện; “Hội thảo Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia trong lĩnh vực xe điện” ngày 6/12/2023 nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan về các thành tố của hạ tầng chất lượng quốc gia như tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xe điện, các yêu cầu kỹ thuật đo lường đối với thiết bị sạc điện cho xe điện …
Nhằm hướng tới tăng trưởng xanh bền vững, góp phần tích cực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, việc kết hợp các phương pháp về nền kinh tế tuần hoàn (CE) và khái niệm Năng suất Xanh (GP) của Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) mang đến một cách tiếp cận toàn diện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường của các ngành công nghiệp, đồng thời nâng cao năng suất và tăng cường khả năng phục hồi trước những thách thức trong tương lai. Đây chính là nội dung thảo luận của 20 nền kinh tế thành viên của APO trong phạm vi Khoá đào tạo về Năng suất Xanh được tổ chức từ ngày 30/10/2023 – 10/11/2023 tại Đà Nẵng.
Với nhận thức sâu sắc về vai trò của tiêu chuẩn trong thương mại toàn cầu và thương mại song phương, Tổng cục TCĐLCL đặc biệt quan tâm đến thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
Để hỗ trợ cho thương mại Việt Nam và Trung Quốc, Đảng, Chính phủ, doanh nghiệp hai nước ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của công tác tiêu chuẩn hoá, xác định tiêu chuẩn kỹ thuật là công cụ hiệu quả, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại, loại bỏ rào cản kỹ thuật, phát triển kinh tế bền vững. Trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được thiết lập bền vững trong nhiều năm qua.
Hai nước xác định tăng cường hợp tác kết nối giữa Việt Nam và Trung Quốc về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn đối với hàng hóa và sản phẩm của Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác thương mại song phương. Nội dung hợp tác đã được Lãnh đạo cao nhất của Đảng hai nước ghi nhận trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân vào ngày 12-13/12/2023.
Đoàn công tác của Tổng cục TCĐLCL làm việc với Cơ quan Giám sát quy định thị trường quốc gia Trung Quốc vào tháng 10/2023.
Đối với những lĩnh vực thương mại mới như Halal dành cho cộng đồng Hồi giáo trên toàn cầu, Tổng cục TCĐLCL đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng khuôn khổ cho sự hợp tác trong lĩnh vực mới này nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cho sản phẩm Halal.
Thị trường Halal được đánh giá là thị trường tiềm năng và là cơ hội cho Việt Nam trong phát triển ngành công nghiệp Halal. Theo phân tích của Trung tâm phát triển Halal (Malaysia), thị trường Halal toàn cầu đạt 3000 tỷ USD năm 2020 và ước tính đạt 5000 tỷ USD năm 2030. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…; thị trường rộng lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Khoa học và Công nghệ/Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tích cực thúc đẩy hợp tác với nước Hồi giáo tạo nền tảng và khuôn khổ cho xây dựng hạ tầng chất lượng về NQI, hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu sản phẩm Halal.
Các hoạt động này được đánh dấu bằng rất nhiều sự kiện liên quan bao gồm việc ký kết MOU trong lĩnh vực tiêu chuẩn hoá, đo lường, đánh giá sự phù hợp và hệ sinh thái Halal giữa, Bộ KH&CN và Bộ Công nghiệp và Công nghệ tiên tiến UAE (MoIAT) vào ngày 01/12/2023, tại Dubai, UAE trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và phu nhân tham gia Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Trước đó, ngày 9/8/2023, tại Tehran, Iran, Tổng cục TCĐLCL và Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc gia Iran (INSO) đã thống nhất ký kết bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và công nhận, đo lường và Halal. Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ đã được diễn ra trang trọng với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và ông Mohammad Hassan Sheikholeslami, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran.
Đồng chí Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ KH&CN và ông Omar Ahmed Suwaina Al Suwaidi, Thứ trưởng MoIAT đại diện cho hai cơ quan ký kết MOU.
Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp và công nhận, đo lường và Halal của Tổng cục TCĐLCL và Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc gia Iran (INSO).
Tổng cục TCĐLCL chủ động trao đổi thông tin với Cục Phát triển Hồi giáo Malaysia (JAKIM) và các cơ quan liên quan tại Malaysia để tìm hiểu mô hình công nhận, chứng nhận cho sản phẩm Halal. Tổng cục TCĐLCL tổ chức Hội thảo “Tiêu chuẩn và Chứng nhận: Chìa khóa để tham gia thị trường Halal” với sự tham gia của Đại sứ quán các nước Angola, UAE, Brunei, Palestine, Algeria, Ả Rập Xê Út, Quatar, Iran, Libya và các tổ chức, doanh nghiệp vào ngày 20/12/2023. Đây là dịp để thông tin cho các nước về những hoạt động về tiêu chuẩn, chứng nhận đang triển khai tại Việt Nam để hỗ trợ cho xuất nhập khẩu sản phẩm Halal.Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa QUACERT và IAMES với sự chứng kiến của Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai và Quyền Tổng cục trưởng TĐC Hà Minh Hiệp.
Bên cạnh đó, Tổng cục TCĐLCL sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm, dịch vụ Halal trên cơ sở hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước nhập khẩu. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thông tin, hiểu yêu cầu quy định đối với thị trường và sản phẩm, dịch vụ Halal. Dù là một lĩnh vực mới, Tổng cục TCĐLCL đang phát huy vai trò chủ động và tích cực, học hỏi kinh nghiệm của đối tác trong nước và nước ngoài, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để triển khai các hoạt động thiết thực và hiệu quả, vững chắc để xây dựng hạ tầng chất lượng về sản phẩm Halal tại Việt Nam.
Việt Nam và Belarus sẽ triển khai MoU hợp tác về tiêu chuẩn đã ký ngày 7/12/2023.
Chào đón năm 2024, hoạt động hợp tác quốc tế sẽ tiếp tục phát huy trên mọi lĩnh vực, tiếp tục đóng góp vào thực hiện các mục tiêu lớn của đất nước. Lĩnh vực Halal tiếp tục là trọng tâm trao đổi với các đối tác đã ký kết thỏa thuận như UAE, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ. Các lĩnh vực về phát triển xanh, phát triển sạch, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững tiếp tục được nghiên cứu và hiện thực hóa bằng các hành động cụ thể góp phần tích cực vào đề xuất các giải pháp về hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Các lĩnh vực nổi trội hiện nay về tiêu chuẩn hóa đối với các công nghệ mới nổi, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn sẽ tiếp tục được khai thác theo chiều sâu thông qua hợp tác với các đối tác như Cơ quan tiêu chuẩn hóa Úc (SA), Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Mỹ (ASTM), Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) và nhiều đối tác khác.
Như vậy, có thể nói, các hoạt động hợp tác quốc tế được Tổng cục TCĐLCL coi trọng, đóng góp cho thành công chung của hoạt động đối ngoại của Việt Nam nói chung, của Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng, đồng thời tăng cường vai trò của Tổng cục TCĐLCL như một thành viên có trách nhiệm, một nhân tố tích cực trong công tác hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá hình ảnh của Tổng cục đối với bạn bè quốc tế như một đối tác năng động, hiệu quả.
Nguồn: tcvn.gov.vn