Cùng với các luật Lưu trữ, Khiếu nại, Tố cáo, bắt đầu từ ngày 1/7/2012, Luật Đo lường (Quốc hội khóa XIII, kỳ hợp thứ 2, thông qua ngày 11/11/2011) sẽ chính thức có hiệu lực trong cuộc sống.
Luật Đo lường được Quốc hội ban hành có 58 điều, được chia thành 9 chương. Trong đó, chương I với các quy định chung và chương IX quy định về các điều khoản thi hành. Các chương còn lại từ chương II đến chương VIII nêu bật các vấn đề sát thực với cuộc sống, liên quan đến các nội dung về đơn vị đo, chuẩn đo lường, phương tiện đo, hoạt động kiểm định, thử nghiệm lấy mẫu, phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn, hoạt động thanh kiểm tra, xử lý các vi phạm và quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường.
Đặc biêt, trong chương VIII, quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về đo lường có đề cập Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đo lường trong phạm vi cả nước.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ KH&CN thực hiện việc quản lý nhà nước về đo lường.
Theo nhận định của Bộ KH&CN, hoạt động đo lường ở nước ta thời gian qua bộc lộ nhiều bất cập. Gần đây nổi cộm vấn nạn sai phạm trong kinh doanh xăng dầu, đồng hồ tính tiền cước taxi, kinh doanh điện năng, nước sạch và trong nhập khẩu, lưu thông hàng đóng gói sẵn…
Hệ thống kiểm định phương tiện đo hiện chỉ đáp ứng từ 60-70% nhu cầu kiểm định (khoảng 28 triệu phương tiện đo các loại) nghĩa là vẫn còn tới 30-40% số phương tiện đo thuộc danh mục phương tiện đo phải kiểm định chưa được kiểm định theo quy định.
Hoạt động thanh, kiểm tra về đo lường thời gian qua cũng chưa đáp ứng hết yêu cầu cuộc sống đặt ra. Các mức xử phạt vi phạm pháp luật về đo lường chưa đủ sức răn đe.
Mặc dù thời gian qua nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật có chứa các quy định liên quan đến hoạt động đo lường, nhưng phần lớn văn bản đó đều nằm dưới luật, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ nặng, lại nằm rải rác trong nhiều nghị định, pháp lệnh do chính phủ ban hành.
Nhiều quy định chưa bao quát toàn bộ hoạt động đo lường. Các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường cũng chưa được cụ thể nên rất khó khăn cho các tổ chức, cơ quan khi thực hiện nhiệm vụ.
Trước thực trạng đó, để giải quyết những bất cập trong hoạt động đo lường hiện nay và nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, Luật Đo lường được ban hành trong giai đoạn hiện nay được kỳ vọng sẽ tác động sâu rộng đến mọi mặt cuộc sống của con người, sẽ điều chỉnh thống nhất và toàn diện hoạt động đo lường ở nước ta.
Cũng theo đánh giá của Bộ KH&CN, hoạt động đo lường đang ngày càng khẳng định được vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Nó không chỉ dừng lại ở việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh mà về mặt xã hội, nó còn có tác động tích cực đến an sinh xã hội, bảo đảm sự công bằng trong thanh toán giao nhận không chỉ ở trong nước mà còn mang tính quốc tế.
Để Luật Đo lường đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả thực tế, hiện nay cơ quan chức năng thuộc Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đang nỗ lực hoàn thiện các văn bản dưới luật.
Trước mắt, hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ phê duyệt nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường. Dự thảo nghị định được kết cấu thành 5 chương với 22 điều.
Tiếp đến, xây dựng và trình Thủ tướng ban hành quyết định về phê duyệt quy hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia…
Trong phạm vi trách nhiệm và quản lý của mình, Bộ KH&CN cũng sẽ xây dựng và ban hành thông tư liên quan, quy định và hướng dẫn thực hiện đối với chuẩn đo lường, phương tiện đo, hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn; thông tư quy định về đo lường đối với lượng của hàng đóng gói sẵn, về phép đo và các mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường…
Theo Tổng cục TCĐLCL, để phổ biến và tuyên truyền tới cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân nắm được những quy định của Luật Đo lường, gần gây các hoạt động giới thiệu luật, triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo, tuyên truyền tại các cấp diễn ra mạnh mẽ.
Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức “Hội nghị phổ biến Luật đo lường và góp ý dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành”.
Còn ở các địa phương, theo ông Trần Minh Chiến – Phó Giám đốc Sở KH&CN Thừa Thiên – Huế, cho biết Sở KH&CN đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật Đo lường cho các đơn vị, cơ quan ban ngành trên địa bàn tỉnh.
Ông Vũ Thanh Hải – Chi cục TCĐLCL Lào Cai, cũng cho biết chi cục đã phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Sở KH&CN tỉnh tổ chức hội nghị giới thiệu Luật Đo lường.
Sắp tới, chi cục sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Đo lường trên địa bàn tỉnh
Nguồn: vietq.vn